Ở nhà tôi đảm nhiệm việc dọn rác. Nhà tôi chỉ đổ rác 2 lần 1 tuần, vì toàn bộ rác nhà bếp là thứ cần được xử lý hàng ngày đã được hô biến thành compost. Khoảng 50% rác thải hàng ngày là rác nhà bếp. Chỉ cần mỗi nhà xử lý được rác từ nhà bếp của mình thì cũng giảm tương đối gánh nặng cho môi trường. Và cây cối quanh nhà cũng có một lượng phân bón hữu cơ nhiều dinh dưỡng, tiết kiệm bao nhiêu tiền mua phân bón.
Sau hơn 2 năm làm compost ở ngay ban công bé xinh nhà mình, tôi đã rất tự tin rằng chúng ta có thể làm compost tại nhà với chi phí gần như bằng 0. Cây nhà mình thì lại có phân bón miễn phí.
Lúc đầu tôi đã loay hoay tìm hiểu trên mạng, lục tung youtube để học cách làm compost. Sau vài lần thử thất bại, tôi đã tìm được “công thức” phù hợp làm compost cho nhà phố. bao sạch, bao không mùi!
Compost là gì
Hiểu đơn giản thì composting là quá trình phân huỷ các rác thải nhà bếp, để cuối cùng cho ra sản phẩm là compost. Compost được dùng làm phân bón cho cây trồng, và giúp cải tạo đất do nó chứa nhiều vi sinh hữu ích.
Quá trình phân huỷ trong compost cần không khí. Vì thế nên thùng ủ compost luôn cần có lỗ thông khí, và việc đảo trộn khối ủ thường xuyên là cần thiết.
Để làm compost chỉ cần 4 nguyên liệu: nguyên liệu xanh, nguyên liệu nâu, không khí, và nước.
Giờ bắt tay vào làm thôi.
Chuẩn bị thùng ủ compost
Bạn có thể dùng bất kỳ thùng chứa nào phù hợp với không gian nhà mình và lượng rác nhà bếp: thùng nhựa, thùng xốp, miễn là thùng ủ có các lỗ thông khí.
Thùng của mình mua của các bạn Gấc Go & Compost, 250k. Best buy ever!
Vị trí đặt thùng: không nên để ở chỗ có nắng chiếu trực tiếp, hay có nước mưa.
Nguyên liệu
Nguyên liệu để ủ compost được chia thành 2 loại: Nguyên liệu “xanh” và nguyên liệu “nâu”.
- Nguyên liệu xanh: bao gồm rác thải từ nhà bếp: lá rau, vỏ trái cây, bã cafe, trà, vỏ trứng. KHÔNG cho vào thùng ủ bất kỳ nguyên liệu nào từ động vật: xương, da, thực phẩm nấu chín, dầu, mỡ.
- Nguyên liệu nâu: đất, giấy bìa carton, giấy vụn, lá cây, cành cây, rơm rạ, xỉ than. Mình thì hay tận dụng hộp gói hàng (những hộp đã cũ, hộp mới thì mình mang đi tặng lại các bạn bán hàng online để kéo dài vòng đời), hộp pizza. Lưu ý là những hộp mà có mực in màu quá nhiều thì nên loại bỏ phần có mực in đi.
- Tỷ lệ giữa nguyên liệu xanh và nâu là 2:1. Cũng giống như khi nấu ăn, một khi đã thành thạo rồi bạn sẽ không cần xem công thức nữa, bạn sẽ trộn nguyên liệu xanh và nâu tuỳ theo thùng ủ mà không cần tỷ lệ.
- Nước: thùng ủ ở ban công nhỏ nên bạn hoàn toàn không cần thêm nước. Nước từ nguyên liệu xanh trong quá trình phân hủy là đủ rồi. Từ kinh nghiệm của mình, không nên để thùng ủ quá ướt, nghĩa là có quá nhiều nguyên liệu xanh so với nguyên liệu nâu. Thùng ủ quá ướt thì dễ có dòi. Về độ ẩm, mình cứ nhẩm thần chú: ẩm mà không ướt (moist but not wet). Khi thấy thùng quá ướt thì nên cho thêm nguyên liệu nâu vào.
- Không khí: ủ compost là quá trình hiếu khí, nghĩa là thùng ủ cần phải được cung cấp đủ không khí, vì thế mà chúng ta phải đảo trộn thường xuyên. Việc này nghe thì phức tạp, thật ra đơn giản lắm. Mỗi ngày khi cho rác nhà bếp vào, bạn đảo thùng vài ba lần. Thế là xong.
Cho nguyên liệu vào thùng thôi
- Rải một lớp nguyên liệu nâu xuống đáy thùng. Mình thường rải một lớp đất cũ.
- Hàng ngày khi cho nguyên liệu xanh, thì mình cho tiếp nguyên liệu nâu vào. Đảo đều. Nguyên liệu xanh nên cắt nhỏ cho nhanh phân hủy.
- Thế thôi, hết rồi đó. Khi nào đầy thùng thì mình để đó, làm tiếp thùng mới để thay phiên. Nhà mình chỉ cần 2 thùng là đủ. Khi nào thùng thứ 2 đầy, mình sẽ lấy compost từ thùng đầu tiên ra, để làm tiếp một mẻ mới. Thùng ủ nhà mình nhỏ, nên khoảng 1 tháng là sẽ đầy. Thành phẩm ở thùng đầu tiên lúc này đã có thể sử dụng ngay được rồi, tuy nhiên mình thường để trong một thùng riêng đựng compost cho khô bớt.
- Tips cho rác nhanh phân hủy: cho vào thùng ủ mới một ít compost từ thùng ủ đã hoàn thành, vì compost lúc này đã có sẵn những vi sinh sẽ giúp cho thùng ủ phân hủy nhanh hơn. Gần đây mình đã thử cho EM vào (loại EM dùng cho botashi), rác phân hủy nhanh hơn, vì thế một thùng rất lâu mới đầy.
Happy composting!